Tọa đàm “Cu li không bao giờ khóc: Nghĩ về thành phố như một nhân vật điện ảnh”. Ảnh: Trà Giang
“Nhân vật” đặc biệt nhìn từ một bộ phim
Trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, có một sự kiện liên quan tới điện ảnh khá thú vị, đó là tọa đàm “Cu li không bao giờ khóc: Nghĩ về thành phố như một nhân vật điện ảnh”.
“Cu li không bao giờ khóc” là bộ phim điện ảnh độc lập do Phạm Ngọc Lân đạo diễn kiêm biên kịch. Phim được công chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 74 (tháng 2-2024) ở hạng mục Panorama và sau đó đã giành giải GWFF dành cho Phim đầu tay xuất sắc nhất. Phim dự kiến sẽ được khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ ngày 15-11 tới đây.
“Cu li không bao giờ khóc” có bối cảnh ở Hà Nội, kể một câu chuyện về một phụ nữ lớn tuổi (bà Nguyện - NSND Minh Châu đóng) giữ chặt mối dây liên hệ với quá khứ và hai người trẻ tuổi (Vân - Hà Phương; Quang - Xuân An). Những thước phim đen trắng mang đến cho người xem một câu chuyện của những con người Hà Nội hôm nay, trong một thành phố nhiều biến đổi giống như cuộc đời của mỗi con người.
Đạo diễn Phạm Ngọc Lân sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chưa bao giờ rời khỏi Hà Nội trước khi học đại học... "cả trong thực tế lẫn tưởng tượng". Có lẽ vì vậy, Hà Nội hiện lên trong phim của Phạm Ngọc Lân bình dị, không phải là những biểu tượng, mà đơn giản là những góc đời sống đầy hoài cảm. Nhà văn Nguyễn Trương Quý đánh giá: "Bộ phim không có tên về Hà Nội, cũng không có những hình ảnh kiểu mẫu, không màu sắc nhưng lại là những không gian mang hơi thở đương đại, đôi khi đan xen những dẫn dụ về quá khứ như hình ảnh rạp Đại Đồng. Tôi nghĩ việc đạo diễn chọn làm đen trắng cũng giúp người xem bớt đi cảm giác về một Hà Nội lối mòn. Đó là một Hà Nội sống, không bị khuôn mẫu, giúp người xem đón nhận bộ phim thanh hơn, nhẹ nhõm hơn".
Nhà nghiên cứu văn học, điện ảnh, hội họa, TS Trần Ngọc Hiếu, cũng là một người con của Hà Nội, thì nhận xét: "Bộ phim tác động rất mạnh đến cảm xúc và hình dung của tôi về nơi mình sống. Ký ức của tôi gắn với các khung hình đen trắng, nó làm tôi nhớ đến những bộ phim như “Truyện cổ tích cho tuổi 17”, “Hà Nội mùa chim làm tổ”... Những khung hình đen trắng đó cho tôi cảm giác đó mới là Hà Nội đọng sâu vào ký ức của mình, không phải là một Hà Nội lộng lẫy hào hoa đâu mà là một Hà Nội có cái gì đó bí ẩn".
Kể một câu chuyện về Hà Nội đương đại nhưng lại dùng phim đen trắng, trong phim có sự xuất hiện của nghệ sĩ nổi tiếng một thời là NSND Minh Châu, đạo diễn Phạm Ngọc Lân cũng có ý gợi cho người xem sự thay đổi của thời gian. “Hà Nội trước đây là đầu não của điện ảnh phía Bắc, các diễn viên dù có đến ở nhiều tỉnh nhưng phải nói giọng Hà Nội, tập phát âm Hà Nội chuẩn. Tôi mời lại diễn viên có dấu ấn về điện ảnh để khi xem phim người xem có thể tìm thấy sự liên tưởng, những người đó khi quay lại màn ảnh ở tuổi đã già, chính sự già, sự buồn ấy gợi lên câu chuyện của cuộc đời, nó mang đến một sự xúc động”.
Đừng “đóng khung” Hà Nội
Đánh giá cao cách đạo diễn Phạm Ngọc Lân để Hà Nội xuất hiện như một nhân vật trong phim, song có lẽ ấn tượng của người xem về Hà Nội dưới góc nhìn của đạo diễn này vẫn là một cái gì đó cũ kỹ, là câu chuyện về thế hệ, xưa và nay, là sự cô đơn, day dứt về những nguyện ước còn dang dở...
Và người xem cũng không khỏi đặt câu hỏi: Liệu “nhân vật” Hà Nội có thể kể những câu chuyện khác đi được không? Theo TS Trần Ngọc Hiếu, ở giai đoạn vàng son của điện ảnh Hà Nội, những năm 1980 - 1990, có rất nhiều bộ phim về Hà Nội đã bắt nhịp, thậm chí có tính dự báo về cuộc sống. Những bộ phim như “Nước mắt thời mở cửa”, “Hãy tha thứ cho em”, “Hà Nội mùa chim làm tổ”... phản ánh những vấn đề nóng hổi ở Thủ đô trong giai đoạn đất nước mở cửa, phản ánh được cái day dứt của những con người muốn giữ được tinh thần Hà Nội trước sự thay đổi quá nhanh của cuộc sống. Sau này, những bộ phim như “Mùa hè chiều thẳng đứng”, “Chơi vơi”, “Bi, đừng sợ!”... lại là những Hà Nội khác. Nhưng càng ngày, người ta càng có cảm giác phim về Hà Nội có độ “trễ” nhất định. Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, có cảm giác các câu chuyện về Hà Nội đang rơi vào vòng lặp, sự bế tắc nào đó.
“Có lúc tôi tự hỏi liệu có thể kể những câu chuyện khác về Hà Nội? Câu chuyện về thế giới ngầm, xã hội đen, những câu chuyện kiểu như Hai Phượng, Thanh Sói... chẳng hạn có vẻ như không hợp với bối cảnh Hà Nội? Hà Nội bây giờ cũng không phải là nơi mà người trẻ khao khát ở lại lập nghiệp như xưa nữa, nên muốn kể những câu chuyện về người trẻ thì liệu “nhân vật” Hà Nội có còn phù hợp để kể?” - TS Trần Ngọc Hiếu trăn trở.
Đó có lẽ không chỉ là trăn trở của riêng ai. Những người yêu điện ảnh, yêu Hà Nội đều mong muốn điện ảnh về Hà Nội có những câu chuyện sáng tạo hơn, những câu chuyện về Hà Nội trẻ, Hà Nội đương đại, một thành phố cho con người ta mơ mộng, với những khắc khoải về tri thức... Đừng để “nhân vật” Hà Nội “đóng khung” trong sự già nua, hoài niệm trên màn ảnh!
(Theo: hanoimoi.vn)